KIDO và mục tiêu tập đoàn thực phẩm hàng đầu
Ngày đăng: Feb 11, 2015 2:29:51 AM
Với mục tiêu trở thành tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực thực phẩm, chiến thuật đầu tiên mà Tập đoàn Kinh Đô (KDC) thực hiện chính là gắn liền thương hiệu KIDO với các sản phẩm ngành hàng thiết yếu, trong khi thương hiệu Kinh Đô sẽ tiếp tục duy trì vị thế “ông vua bánh kẹo” của mình.
Trước mắt, thương hiệu KIDO sẽ hiện diện thêm trên sản phẩm mì gói, gia vị, dầu ăn bên cạnh lĩnh vực truyền thống là sản phẩm kem, sữa, các sản phẩm từ sữa - vốn là nhãn hiệu quen thuộc trong lòng người tiêu dùng Việt Nam.
Còn nhớ, thời điểm KDC tổ chức ĐHCĐ vào cuối tháng 6 năm 2014, HĐQT đã trình bày kế hoạch mở rộng đầu tư vào ngành hàng dầu ăn, mì gói khiến nhiều cổ đông không khỏi lo ngại, bởi đây là những ngành hàng đang có sự cạnh tranh rất gay gắt và khi đó, lãnh đạo KDC cũng chưa đưa ra những kế hoạch rõ ràng. Nhưng những bước đi cụ thể để thực hiện kế hoạch mở rộng ngành hàng chính là lời khẳng định chắc chắn nhất của lãnh đạo KDC với các cổ đông.
Trong lĩnh vực dầu ăn, KDC hiện đã sở hữu 51% cổ phần tại Tổng công ty Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) và có 3 thành viên tham gia HĐQT công ty này. Việc sản xuất và đưa sản phẩm dầu ăn thương hiệu KIDO ra thị trường sẽ là một bước đi khôn khéo của KDC khi kết hợp giữa nền tảng sản xuất Vocarimex với thương hiệu KIDO. Chiến lược này sẽ giúp KDC có thể nhanh chóng trở thành “anh lớn” trên thị trường dầu ăn.
Cuối tháng 11 năm 2104, các sản phẩm mì Đại Gia Đình KIDO của Công ty đã phủ các kệ hàng và chỉ sau một thời gian ngắn, mì ăn liền của KIDO đã có mặt trong hơn 86.000 điểm bán lẻ trên toàn quốc. Dự kiến, đến giữa năm 2015, ngoài sản phẩm phân khúc bình dân, KIDO sẽ tiếp tục tung sản phẩm mì gói cao cấp và siêu cao cấp. Ba phân khúc này chiếm hơn 75% thị phần của toàn thị trường mì gói.
Cần lưu ý rằng, thị trường mì gói, gia vị là lĩnh vực khá béo bở và việc có công ty con trong lĩnh vực sản xuất dầu ăn là lợi thế chi phí đầu vào cho KIDO trong việc sản xuất mì gói. Hiện thị trường mì gói Việt Nam có sản lượng tiêu thụ đứng thứ 4 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản. Theo báo cáo Brand Footprint 2014 do Kantar Worldpanel - tổ chức hàng đầu thế giới về nghiên cứu thị trường - mì ăn liền là ngành hàng có vị thế quan trọng trong rổ hàng thực phẩm tiêu dùng nhanh (FMCG) của người tiêu dùng Việt Nam và là ngành hàng lớn nhất hiện nay. Tiềm năng là vậy, nhưng cạnh tranh rất gay gắt giữa nhiều nhãn hiệu với nhau, nhất là với các doanh nghiệp đi trước và thị phần lớn như Vina Acecook, Masan và Asia Food.
Tuy vậy, là “người đến sau” nhưng KIDO lại hoàn toàn có thể tận dụng toàn bộ những lợi thế hiện hữu vào lĩnh vực mới và câu chuyện chỉ còn là sản xuất sản phẩm dựa trên những kinh nghiệm có sẵn. Thứ nhất, thương hiệu KIDO gắn liền với sản phẩm kem, sữa như Merino, Celano… có độ nhận diện với người tiêu dùng cao, được rất nhiều độ tuổi khác nhau tin dùng, từ bà nội trợ, trẻ em đến giới trẻ Việt Nam. Trong khi, đây lại là những người đối tượng quyết định mua hàng trong một gia đình. Tức, các sản phẩm mới của nhãn hiệu KIDO cũng sẽ tận dụng được uy tín của sản phẩm trước đó. Mới đây, KIDO cũng đã ký kết hợp tác cùng kênh âm nhạc dành cho giới trẻ hàng đầu Việt Nam (MTV Việt Nam) nhằm đưa thương hiệu và sản phẩm KIDO tới gần với giới trẻ và người tiêu dùng hơn. Được biết, đây chỉ là bước khởi đầu, KIDO sẽ còn thực hiện nhiều kế hoạch đồng hành, hợp tác để mở rộng kênh quảng bá thương hiệu KIDO đến nhiều đối tượng người tiêu dùng trên cả nước.
Ngoài ra, là công ty thành viên của Tập đoàn Kinh Đô, KIDO thừa hưởng tất cả các nền tảng đã tạo nên thành công của thương hiệu Kinh Đô như: tầm nhìn, định hướng chiến lược của Ban lãnh đạo, hệ thống vận hành, sự thấu hiểu thị trường, người tiêu dùng… Đồng thời, hệ thống phân phối rộng khắp gần 200.000 điểm bán lẻ từ thành thị đến nông thôn là thế mạnh đáng gờm hiện hữu của Công ty. Và một lợi thế cạnh tranh khác chính là nguồn lực tài chính đủ mạnh để thực hiện kế hoạch đầu tư vào ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, mở rộng danh mục sản phẩm.
Mục tiêu của KIDO chính là vị trí hàng đầu trong lĩnh vực các ngành hàng thiết yếu. Ngoài ra, KIDO cũng đang trong quá trình tìm kiếm sản phẩm và đối tác phù hợp trong lĩnh vực F&B để tiến hành các hoạt động M&A. Đây là các bước để Công ty tấn công thị trường 193.000 tỷ đồng của lĩnh vực thực phẩm thiết yếu đóng gói. Với những bước chuẩn bị chắc chắc, KIDO đề ra kế hoạch phát triển mới đầy tham vọng, nhưng cũng rất khả thi khi đánh giá các nguồn lực hiện có của doanh nghiệp này.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn