Sân khấu thiếu nhi dịp Trung Thu: Có gì ngoài cổ tích?
Ngày đăng: Aug 18, 2014 12:48:5 PM
TP - Dù dễ gây cảm giác mòn cũ, nhưng sân khấu thiếu nhi vẫn là lựa chọn của đa số phụ huynh mỗi dịp Tết Trung thu.
Cổ tích vẫn chiếm ưu thế ở sân khấu thiếu nhi. Ảnh: Thế Toàn
Đạo diễn Bùi Như Lai thừa nhận: “Chương trình không có nhiều đổi mới, chương trình Cổ tích cười vẫn theo thiên hướng hoạt cảnh, có tình huống vui vui. Vẫn là chú Cuội, chị Hằng xuống trái đất, gặp gỡ thiếu nhi có bạn chăm ngoan, bạn còn ham chơi và đưa ra lời khuyên, với sự tham gia của các nghệ sĩ đoàn kịch 1, Nhà hát Tuổi trẻ: Nghệ sĩ Hương tươi, Tùng Linh, Trần Hoàng, Duy Anh, Quang Ánh”.
Lối xử lí này dễ dẫn đến thuyết giáo khô cứng? “Không lo thuyết giáo gì đâu, tôi chủ trương vui là chính, lấy các màn giao lưu với trẻ em để trẻ tự nhận thức về hành vi đó đúng, sai ra sao. Với trẻ em, không thể cứ nói mà được, phải xây dựng các tình huống dí dỏm mới mong đọng lại thông điệp được”. anh nói.
Hỏi NSƯT Minh Vượng nhiều năm nay mua vui cho thiếu nhi, rằng năm nay định phá cỗ trung thu ra sao. “Vẫn là chú Cuội Minh Vượng thôi. Nhưng năm nay chú Cuội ra Trường Sa đấy”, chị đáp. Ý tưởng được kỳ vọng mới mẻ này của NSƯT Thúy Mùi, Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội.
“Lâu nay sân khấu thiếu nhi bị bó buộc vào mấy câu chuyện cổ tích. Lần này, tôi định làm mới thêm một chút-đưa chú Cuội, chị Hằng ra Trường Sa”, nghệ sĩ Thúy Mùi chia sẻ.
Chèo Hà Nội không diễn lại Những điều ước thần kỳ hồi 1/6 nữa, nhưng chương trình trung thu này còn phải xếp hàng chờ xong xuôi chương trình 2.000 năm Vương nữ đất rồng-chương trình nghệ thuật đặc biệt nhân lễ hội “Vương nữ Mê Linh dấu ấn lịch sử” nhân 2.000 năm sinh Hai Bà Trưng.
Đêm hội trăng rằm, chương trình ca múa nhạc tạp kỹ diễn bốn ngày từ 6/9 tại Cung Văn hóa Hữu nghị. Với sự tham gia của các thành viên nhí CLB Họa Mi, nghệ sĩ Hồng Kỳ chương trình vẫn có những tiết mục truyền thống của xiếc thú, ca nhạc. Tuy nhiên, nhà tổ chức cũng ăn theo các tên tuổi như Quang Anh quán quân Giọng hát Việt nhí 2013, cặp dancesport nhí Đăng Quân-Bảo Ngọc được biết đến nhiều trong Tìm kiếm tài năng Việt.
Nhà hát kịch Việt Nam tiếp tục diễn Vua lợn, vở kịch thiếu nhi cũng lấy cảm hứng từ truyện cổ tích. NSƯT Anh Tú đang ấp ủ dự án kịch cho thiếu nhi Chuyện chàng dũng sĩ, cảm tác từ sử thi Đam San, nhưng anh chưa muốn tiết lộ nhiều. Vở kịch phóng tác này có thể dàn dựng dưới dạng nhạc kịch.
Sân khấu kịch miền Bắc khá ổn định, có phần rôm rả về lượng. Sân khấu kịch Idecaf với sêri Ngày xửa ngày xưa dịp này chỉ diễn bốn suất cả thảy. Phần thứ 27 với tựa đề Ông kẹ và các bà mẹ ra mắt dịp 1/6 vừa rồi, tiếp tục được đưa vào khai thác.
Văn hóa “nhân dịp”
Nhu cầu của khán giả có nhiều thay đổi? “Theo chủ quan của tôi, họ không đòi hỏi gì nhiều đâu. Chính vì thế đôi khi làm cho nghệ sĩ cũng lười sáng tạo. Phụ huynh đưa con đi xem theo quán tính, rằng trung thu thì phải cho con đến nhà hát. Văn hóa “nhân dịp” này khiến cho nhiều nghệ sĩ cũng làm việc theo tinh thần đó. Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận nếu không làm dịp đó, bố mẹ cũng không đưa con đến xem”, đạo diễn Bùi Như Lai nói.
Tư duy “nhân dịp” không hẳn hoàn toàn do nghệ sĩ, nhà hát. “Dịp trung thu, con nít đi học rồi, áp lực học hành quá lớn khiến phụ huynh không dám cho con nghỉ đi coi kịch. Cho nên chúng tôi hoạt động mạnh hơn dịp trẻ nghỉ hè. Dịp trung thu này, sân khấu Idecaf chỉ diễn bốn suấtNgày xửa ngày xưa phần 27, chứ chưa dựng vở mới ngay”, đạo diễn Vũ Đình Toàn lí giải.
Chẳng lẽ giới sáng tạo cứ chấp nhận tâm lí mùa vụ này mãi. Nhiều nghệ sĩ đồng quan điểm: Làm nghệ thuật ngoài đam mê phải có khán giả, đồng nghĩa có tiền tái đầu tư. Nếu không làm nhân dịp lễ lạt, cầm chắc phá sản.
Tuy thế, đây đó vẫn manh nha những ý tưởng khiến sân khấu thiếu nhi bớt hời hợt, chụp giật. Đạo diễn Vũ Đình Toàn cho biết, ngoài dịp tổng lực diễn Ngày xửa ngày xưa ở Nhà hát Bến Thành, anh vẫn dựng các vở nhỏ hơn tại Nhà hát thiếu nhi quận 1, với 300 chỗ ngồi. Đây được xem là điểm hẹn quen thuộc dành cho khán giả nhí-lớp khán giả tiềm năng cho sân khấu sau này.
Đạo diễn nước ngoài dựng kịch thiếu nhi
Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, ngoài các dự án sân khấu thiếu nhi quen thuộc, sắp tới nhà hát có những thay đổi. Vở kịch Hoàng tử gấu và hạt đậu thần hợp tác với Idecaf vừa rồi là bước thử, để thay đổi phong cách.
Vở tiếp tục phục vụ khán giả Tết Trung thu này, nhiều trường đặt hợp đồng nhân dịp đầu năm học.
“Sắp tới, chúng tôi có thể chọn một câu chuyện cổ tích Grim, cốt truyện và thông điệp mạch lạc, sâu sắc hơn để dựng vở. Điều đặc biệt là có thể chúng tôi mời đạo diễn Đức dàn dựng, để thay đổi phong vị”, ông Nhuận nói.